Sẽ điều chỉnh nâng tải trọng khai thác cầu đường bộ

NGUYỄN VĂN BÁCH
9/26/2009

Giải quyết bức xúc của giới vận tải đối với giới hạn tải trọng khai thác hệ thống các cầu đường bộ, chiều 26/8, Bộ GTVT đã tổ chức cuộc họp với các ý kiến thống nhất cho rằng việc quy định tải trọng khai thác đối với hệ thống các cây cầu đường bộ hiện nay là chưa hợp lý, cần phải nâng mức tải trọng cho phép.

Tại cuộc họp chiều 26/8 do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Mạnh Hùng chủ trì có lãnh đạo Cục ĐBVN và các Khu QLĐB, lãnh đạo các Vụ Quản lý kết cấu hạ tầng, Vụ Khoa học công nghệ, Vụ Vận tải, Cục Giám định và Quản lý chất lượng công trình giao thông...
Tinh thần cuộc họp là tìm giải pháp, khẩn trương tháo gỡ khó khăn không đáng có cho vận tải. Các đại biểu phát biểu tại cuộc họp đều được yêu cầu phải có quan điểm cụ thể và đều cho rằng cần phải nâng mức tải trọng khai thác quy định cho các cây cầu đường bộ hiện nay. Tuy nhiên mức độ nâng cụ thể là bao nhiêu tấn, dựa trên các căn cứ nào thì vẫn có nhiều ý kiến khác nhau.
Có ý kiến cho rằng, ở Việt Nam chưa có nghiên cứu cụ thể về vấn đề tải trọng khai thác đường bộ. Do đó cần tham khảo tải trọng khai thác của các nước trên thế giới để áp dụng. Đa số các nước trên thế giới hiện khai thác cầu với tải trọng cho phép từ 36,3 đến 53 tấn.
Cá biệt có nước cho phép tải trọng khai thác lên đến 72 tấn. Các nước châu Âu cho phép tải trọng khai thác cầu từ 40-42 tấn, có ý kiến đề nghị các cây cầu đã cải tạo nâng cấp ở Việt Nam nên cho phép khai thác theo mức tải trọng này. Cẩn trọng hơn, có ý kiến đề xuất nên lấy hệ số hoạt tải 1,4 hoặc hệ số về điều kiện làm việc 1,1 nhân với tải trọng khai thác tối đa cho phép hiện nay trên mỗi cầu để đưa ra con số tải trọng cho phép mới.
Có ý kiến cho rằng phải hiểu rõ ý nghĩa của tải trọng thiết kế để làm căn cứ. Những cây cầu mới xây dựng đưa vào khai thác thời gian gần đây trên các quốc lộ huyết mạch có mật độ phương tiện lớn được thiết kế theo tiêu chuẩn 22TCN 18-79 dùng tải trọng H30 - XB80 hoặc 22TCN 272 - 05 dùng tải trọng HL93.
Giải thích ngắn gọn của các nhà thiết kế cho rằng tất cả tải trọng dùng để thiết kế các cây cầu này là giả định đặc biệt, đã bao quát hết toàn bộ chủng loại phương tiện lưu thông, các tình huống vận tải, với nguyên tắc: người thiết kế cầu có nhiệm vụ thỏa mãn tất cả các phương tiện được phép khai thác trên đường bộ. Với nhận định như vậy thì các phương tiện đáp ứng tiêu chuẩn lưu thông hiện nay đều được phép lưu thông bình thường qua cầu.
Hiện nay, hoạt động vận tải trên đường bộ phải thực hiện quy định ban hành theo Quyết định 60/2007/QĐ-BGTVT. Khi đi trên đường, tải trọng khai thác cho phép theo Quyết định này tùy thuộc vào từng chủng loại xe có số lượng trục và khoảng cách giữa các trục khác nhau.
Riêng khi qua cầu, phương tiện bị kiểm soát theo tổng tải trọng xe, tính ra đối với tổ hợp xe vận tải container, tổng tải trọng lớn nhất cho phép lên đến 48 tấn. Và như vậy, đối với các cầu mới được xây dựng đã vào cấp không cần cắm biển hạn chế tải trọng. Quan điểm này mở rộng đối với cả các cầu mới được thiết kế theo tải trọng tính toán H13, H10 trên các tuyến quốc lộ có lưu lượng phương tiện thấp.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Mạnh Hùng đề nghị thống nhất áp dụng tải trọng khai thác cầu theo Quyết định 60/2007/QĐ-BGTVT. Đề nghị Cục ĐBVN khẩn cấp đi kiểm tra, rà soát lại toàn bộ hệ thống biển báo tải trọng cầu (đặc biệt đối với khu vực phía Nam và miền Trung), đối với các cầu mới được đầu tư xây dựng không được cắm biển hạn chế tải trọng 30T.
Đối với các cầu được báo cáo là cầu cũ đã xuống cấp, cần lên danh sách báo cáo về Bộ GTVT để Bộ bố trí kinh phí và cán bộ cho kiểm định lại tải trọng, xem xét hướng dẫn điều tiết, quy định khoảng cách tối thiểu phải giữ giữa các phương tiện qua cầu theo hướng tạo điều kiện cho vận tải và đảm bảo an toàn cầu.
Phương Anh/GTVT online

Xem thêm