GCN quyền sử dụng đất, QSH nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; Việc xác định ranh giới thửa đất

NGUYỄN VĂN BÁCH
7/30/2017

Khoản 16 Điều 3 Luật đất đai giải thích từ ngữ: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất.
Trước năm 2009 có 4 loại mẫu giấy chứng nhận cho nhà và đất song song tồn tại, gồm "sổ đỏ" theo Luật Đất đai năm 1993; "sổ đỏ" theo Luật đất đai năm 2003; "sổ hồng" (GCN quyền sở hữu nhà ở) theo Nghị định 61/CP năm 1994 về mua bán kinh doanh nhà ở và "sổ hồng" theo Luật Nhà ở và Nghị định 90/2006/NĐ -CP năm 2006. Từ năm 2009, mẫu giấy thứ năm là Giấy chứng nhận QSD đất, QSH nhà ở và tài sản trên đất theo Thông tư 17/2009/TT-BTNMT, được bổ sung tại TT số: 20/2010/TT-BTNMT được thay thế bởi Thông tư 23/2014/TT-BTNMT.
Giấy chứng nhận là giấy tờ hợp pháp qua các thời kỳ:
- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật đất đai 1987 (Luật đất đai đầu tiên, bắt đầu tiến hành giao đất và cấp GCN cho người sử dụng, có mẫu mầu đỏ - "sổ đỏ"), được quy định tại Quyết định 201-QĐ/ĐKTK năm 1989 ban hành Quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Tổng cục Quản lý ruộng đất.

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Luật đất đai 1993 (Tổng cục đất xây dựng mẫu mầu đỏ); năm 1994 ghép 2 nội dung QSD đất và QSH nhà ở (BXD thiết kế "sổ hồng")

- Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo theo Luật đất đai 2003, (mầu đỏ, "sổ đỏ mới"), về mẫu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy định Nghị định 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004, Quyết định 24/2004/QĐ-BTNMT về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành hướng dẫn chi tiết Luật Đất đai 2003cấp GCN quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) theo Nghị định 90/2006/NĐ -CP năm 2006, Luật Nhà ở 2005Luật kinh doanh bất động sản 2006 (có công trình trên đất - có tài sản trên đất - quay lại "sổ hồng" - "sổ hồng mới");

- Luật Số: 38/2009/QH12 Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản (một loại thống nhất trong cả nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành) cụ thể Nghị quyết 07/2007/QH12, thống nhất cấp một giấy cho cả nhà và đất, thống nhất một đầu mối cấp giấy (Văn phòng đăng ký nhà đất)

Khoản 1 Điều 3 quy định: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại thống nhất trong cả nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành; đối với nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ xác nhận quyền sở hữu vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại khoản này khi có yêu cầu của chủ sở hữu.

* Mẫu Giấy chứng nhận được quy định tại Điều 3 Thông tư 23/2014/TT-BTNMT
Giấy chứng nhận do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Giấy chứng nhận gồm một tờ có 04 trang, in nền hoa văn trống đồng màu hồng cánh sen (được gọi là phôi Giấy chứng nhận) và Trang bổ sung nền trắng; mỗi trang có kích thước 190mm x 265mm; bao gồm các nội dung theo quy định như sau:
a) Trang 1 gồm Quốc hiệu, Quốc huy và dòng chữ "Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" in màu đỏ; mục "I. Tên người sử dụng đất, chủ sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" và số phát hành Giấy chứng nhận (số seri) gồm 02 chữ cái tiếng Việt và 06 chữ số, được in màu đen; dấu nổi của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Trang 2 in chữ màu đen gồm mục "II. Thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất", trong đó có các thông tin về thửa đất, nhà ở, công trình xây dựng khác, rừng sản xuất là rừng trồng, cây lâu năm và ghi chú; ngày tháng năm ký Giấy chứng nhận và cơ quan ký cấp Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận;
c) Trang 3 in chữ màu đen gồm mục "III. Sơ đồ thửa đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất" và mục "IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận";
d) Trang 4 in chữ màu đen gồm nội dung tiếp theo của mục "IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận"; nội dung lưu ý đối với người được cấp Giấy chứng nhận; mã vạch;
đ) Trang bổ sung Giấy chứng nhận in chữ màu đen gồm dòng chữ "Trang bổ sung Giấy chứng nhận"; số hiệu thửa đất; số phát hành Giấy chứng nhận; số vào sổ cấp Giấy chứng nhận và mục "IV. Những thay đổi sau khi cấp Giấy chứng nhận" như trang 4 của Giấy chứng nhận;
e) Nội dung của Giấy chứng nhận quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản này do Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai hoặc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (đối với nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai) tự in, viết khi chuẩn bị hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận hoặc xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp.

Việc xác định ranh giới thửa đất của Người sử dụng đất làm thủ tục đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định; trừ các trường hợp bị từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được pháp luật quy định như sau:

Tại Khoản 1 Điều 11 Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT ngày 19/5/2014 quy định về việc xác định ranh giới thửa đất, lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất như sau:

"1.1. Trước khi đo vẽ chi tiết, cán bộ đo đạc phải phối hợp với người dẫn đạc (là công chức địa chính cấp xã hoặc cán bộ thôn, xóm, ấp, tổ dân phố... để được hỗ trợ, hướng dẫn việc xác định hiện trạng, ranh giới sử dụng đất), cùng với người sử dụng, quản lý đất liên quan tiến hành xác định ranh giới, mốc giới thửa đất trên thực địa, đánh dấu các đỉnh thửa đất bằng đinh sắt, vạch sơn, cọc bê tông, cọc gỗ và lập Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất để làm căn cứ thực hiện đo đạc ranh giới thửa đất. Người sử dụng đất phải xuất trình các giấy tờ liên quan đến thửa đất (có thể cung cấp bản sao các giấy tờ đó không cần công chứng, chứng thực).

1.2. Ranh, giới thửa đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng, quản lý và chỉnh lý theo kết quả cấp Giấy chứng nhận, bản án của tòa án có hiệu lực thi hành, kết quả giải quyết tranh chấp của cấp có thẩm quyền, các quyết định hành chính của cấp có thẩm quyền có liên quan đến ranh giới thửa đất".

Các trường hợp bị từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được quy định tại Khoản 11 Điều 7 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT quy định chi tiết nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thi hành Luật đất đai và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư hướng dẫn thi hành Luật đất đai:

"Điều 11a. Từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất

1. Việc từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau:

a) Không thuộc thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ;

b) Hồ sơ không có đủ thành phần để thực hiện thủ tục theo quy định;

c) Nội dung kê khai của hồ sơ không đảm bảo tính đầy đủ, thống nhất và hợp lệ theo quy định của pháp luật;

d) Thông tin trong hồ sơ không phù hợp với thông tin được lưu giữ tại cơ quan đăng ký hoặc có giấy tờ giả mạo;

đ) …; khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai về việc đã tiếp nhận đơn đề nghị giải quyết tranh chấp đất đai, tài sản gắn liền với đất;”

Khoản 2 Điều 8 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT để xác định đất có tranh chấp hay không. Theo đó, tại Khoản 2 Điều 8, Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT quy định:

2.4. Trường hợp người sử dụng đất, người sử dụng đất liền kề vắng mặt trong suốt thời gian đo đạc thì việc lập bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất được cán bộ đo đạc, các bên liên quan còn lại và người dẫn đạc xác định theo thực địa và theo hồ sơ thửa đất liên quan (nếu có). Đơn vị đo đạc chuyển Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất đã lập cho UBND cấp xã để xác nhận vắng mặt và thông báo trên loa truyền thanh của cấp xã, niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã để người sử dụng đất đến ký xác nhận. Sau 15 ngày kể từ ngày thông báo mà người sử dụng đất không có mặt và không có khiếu nại, tranh chấp liên quan đến ranh giới, mốc giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã lập.

Trường hợp sau 10 ngày kể từ ngày nhận được Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất mà người sử dụng đất liền kề không ký xác nhận, đồng thời không có văn bản thể hiện việc có tranh chấp, khiếu nại, tố cáo có liên quan đến ranh giới thửa đất thì ranh giới thửa đất được xác định theo bản mô tả đã được các bên liên quan còn lại, người dẫn đạc ký xác nhận và ghi rõ lý do người sử dụng đất liền kề đó không ký xác nhận vào phần “lý do không đồng ý” trong Bản mô tả ranh giới, mốc giới thửa đất. Đơn vị đo đạc có trách nhiệm lập danh sách các trường hợp nêu trên để gửi cho UBND cấp xã biết và lưu hồ sơ đo đạc.

Xem thêm