Hệ thống phanh ABS (Phần II)

NGUYỄN VĂN BÁCH
11/27/2011




Hệ thống phanh ABS với EBD.
EBD là chữ viết tắt của Electronic Brake Distribution, nghĩa là hệ thống phân phối lực phanh giữa các bánh trước và sau hoặc giữa các bánh xe bên phải và bên trái.
Như ta đã biết ở bài viết trước, ABS là một hệ thống phanh hết sức an toàn. Trong những tình huống khẩn cấp, ABS có tác dụng chống bó cứng phanh và duy trì khả năng lái để giảm thiểu tai nạn có thể xảy ra. Nhưng để có một hệ thống phanh hiệu quả và ổn định trong mọi điều kiện địa hình, đường xá, các nhà chế tạo đã lắp thêm vào hệ thống phanh ABS các cảm biến EBD để điều khiển việc phân phối lực phanh giữa các bánh xe, tăng hiệu quả và tận dụng triệt để tính năng phanh.
Khi di chuyển trên đường thẳng, các hệ thống phanh ABS không có EBD thì lực phanh phân phối giữa các bánh trước và bánh sau không thay đổi khi tải trọng tác dụng lên các bánh trước và sau thay đổi. Khi lắp EBD vào, nó dùng EBD để phân phối lực phanh đến các bánh trước và bánh sau phù hợp với điều kiện chạy xe và đường xá. Cụ thể như trong hình vẽ phân tích ở trên, lực phanh đến bánh sau sẽ tăng lên khi tải trọng tác dụng lên bánh sau tăng và giúp rút ngắn quãng đường phanh đáng kể so với hệ thống không có EBD.
Ngoài ra khi phanh xe ở những khúc cua, nó cũng điều khiển các lực phanh của bánh bên phải và bên trái khác nhau giúp duy trì sự ổn định của xe.
 
Có thể mô tả khái quát hoạt động của EBD qua biểu đồ trên như sau:
Phân phối lực phanh của các bánh trước và sau.
Nếu tác động các phanh trong khi xe đang chạy tiến thẳng, bộ chuyển tải trọng sẽ giảm lực phanh tác động lên các bánh sau và tăng lực tác động lên các bánh trước. ECU điều khiển trượt xác định điều kiện này bằng các tín hiệu từ các cảm biến tốc độ và điều khiển bộ chấp hành ABS để điều chỉnh tối ưu sự phân phối lực phanh đến các bánh sau.
Chẳng hạn như lực phanh tác động lên các bánh sau trong khi phanh sẽ thay đổi tuỳ theo xe có mang tải hay không. Lực phanh tác động lên các bánh sau cũng thay đổi tùy theo mức giảm tốc. Như vậy, sự phân phối lực phanh đến bánh sau được điều chỉnh tối ưu để sử dụng có hiệu quả lực phanh của các bánh sau theo những điều kiện này.
Phân phối lực phanh giữa các bánh bên phải và bên trái (phanh trong khi đang vào cua).
Nếu tác động các phanh trong khi xe đang vào cua, lực phanh tác động vào bánh bên trong sẽ tăng lên. ECU điều khiển trượt xác định điều kiện này bằng các tín hiệu từ các cảm biến tốc độ và cảm biến từ hệ thống lái  để điều khiển bộ chấp hành điều chỉnh tối ưu sự phân phối lực phanh đến bánh xe bên trong.

ABS với hỗ trợ khi phanh (BA).
Đôi khi những người chưa quen lái xe hoặc những người dễ hốt hoảng mặc dù đã quen lái xe vẫn không đạp bàn đạp phanh đủ mạnh trong khi phanh khẩn cấp để tận dụng tính năng của hệ thống phanh ABS.
BA (Brake Assist) là một hệ thống sử dụng cảm biến áp suất ở bên trong bộ chấp hành ABS để phát hiện tốc độ và lực khi đang nhấn phanh. Điều này cho phép máy vi tính dự kiến ý muốn phanh khẩn cấp của người lái để tăng lực phanh nhằm đạt được tính năng tối đa của hệ thống phanh.
BA cũng đặt thời gian hỗ trợ và mức hỗ trợ để làm cho cảm giác về phanh càng tự nhiên càng tốt bằng cách điều chỉnh hỗ trợ theo yêu cầu như thể hiện trên đồ thị ở hình vẽ dưới.
 
Hoạt động của BA trong hệ thống phanh có thể mô tả như sau:
Khi ECU điều khiển trượt xác định rằng người lái đang phanh khẩn cấp, van điện từ chuyển mạch hỗ trợ phanh được đóng mạch tạo thành một đường thông giữa xilanh chính và bình chứa và chuyển dầu đến bơm.
Bơm hút dầu và đẩy đến xilanh ở bánh xe. Van an toàn 4 mở ra để bảo đảm rằng áp suất của xilanh ở bánh xe không vượt áp suất của xilanh chính quá một mức đã đặt trước để duy trì độ chênh áp suất này.
 
Nói chung BA kết hợp với ABS thành một hệ thống hoàn thiện. Độ khuếch đại lực phanh do BA gần như ngay lập tức đẩy lực phanh đạt tới mức tối đa nên nguy cơ bị bó cứng phanh và xe bị rê bánh rất cao. Lúc này tính năng chống bó cứng phanh của ABS kịp thời phát huy tác dụng, đảm bảo sự tối ưu khi phanh gấp ngay cả trên những mặt đường trơn trượt.
So sánh quãng đường phanh khi có BA và không có BA hỗ trợ phanh.
Ở tốc độ 100 km/h, với các điều kiện tương đương, thử nghiệm so sánh cho thấy việc sử dụng BA giúp rút ngắn quãng đường phanh từ 46 m (không hỗ trợ) còn 40 m.
(Theo Caronline)


Hệ thống phanh ABS (Phần I)

Sử dụng hệ thống chống bó cứng phanh ABS đúng cách

Xem thêm