Bối cảnh
- Từ năm 1858, thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, từng bước thiết lập chế độ thống trị tàn bạo, phản động của chủ nghĩa thực dân trên đất nước ta. Về chính trị, chúng trực tiếp nắm giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy nhà nước, thi hành chính sách cai trị chuyên chế, biến giai cấp tư sản mại bản và địa chủ phong kiến thành tay sai đắc lực. Đồng thời chúng thực hiện chính sách đàn áp, khủng bố hết sức dã man, tàn bạo, làm cho nhân dân mất hết quyền độc lập, quyền tự do dân chủ. Về kinh tế, chúng thực hiện chính sách độc quyền, kìm hãm sự phát triển kinh tế độc lập của nước ta, vơ vét tài nguyên và bóc lột nặng nề, làm cho nhân dân ta, trước hết là công nhân và nông dân bị bần cùng hoá, nền kinh tế bị què quặt, lệ thuộc vào kinh tế Pháp. Về văn hoá - xã hội, chúng thực hành chính sách ngu dân, khuyến khích văn hoá nô dịch, vong bản, tự ti, sùng Pháp, kìm hãm nhân dân ta trong vòng tối tăm, dốt nát, lạc hậu.
- Năm 1884, với Hiệp ước Patenôtre, Pháp coi như đã xác lập quyền thống trị trên toàn cõi Việt Nam, tuy hình thức thống trị thì mỗi nơi có một khác: Nam kỳ coi như là xứ Thuộc địa, Bắc kỳ là xứ Bảo hộ, Trung kỳ là xứ Nửa Bảo hộ (vì ở đó vẫn duy trì triều đình nhà Nguyễn). Sự thống trị tàn bạo của thực dân Pháp đã làm cho mâu thuẫn dân tộc diễn ra hết sức gay gắt, hàng loạt phong trào yêu nước theo các khuynh hướng khác nhau liên tiếp nổ ra nhằm giải quyết mâu thuẫn chủ yếu đó. Tiêu biểu là phong trào Cần Vương do vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết khởi xướng; phong trào Đông Du của Phan Bội Châu; phong trào cải cách của Phan Chu Trinh, khởi nghĩa Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo... Các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tuy diễn ra quyết liệt, song cuối cùng đều bị thất bại, vì thiếu một đường lối cứu nước đúng đắn, thiếu một tổ chức lãnh đạo có khả năng tập hợp sức mạnh của toàn dân tộc.
- Các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX
Phong trào Cần Vương (1885 - 1896): Sau ngày ký hiệp ước Giáp Thân (06/6/1884), mâu thuẫn giữa phe chủ chiến trong triều đình Huế do Tôn Thất Thuyết đứng đầu với thực dân Pháp ngày càng trở nên gay gắt. Đêm mồng 04 rạng ngày 05/7/1885 (nhằm đêm 22 rạng ngày 23/5 năm Ất Dậu), Tôn Thất Thuyết quyết định nổ súng đánh úp đồn Mang Cá và tòa Khâm sứ. Do kế hoạch tấn công chưa được chuẩn bị chu đáo nên bị thất bại. Kinh thành thất thủ, Tôn Thất Thuyết phải phò vua Hàm Nghi rời bỏ kinh đô lên Tân Sở. Ngày 13/7/1885, từ sơn phòng Quảng Trị, nhà vua ban dụ Cần Vương kêu gọi nhân dân đứng lên ứng nghĩa giúp vua cứu nước.
Sự thất bại của phong trào Cần Vương (1885 - 1896), cho thấy sự bất lực của chế độ phong kiến trước các nhiệm vụ lịch sử. Dân tộc Việt Nam đòi hỏi phải có một con đường cứu nước mới. Cuộc đấu tranh chống Pháp gắn liền với cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến lạc hậu. Cuộc đấu tranh không chỉ trên lĩnh vực chính trị - quân sự, mà còn cả trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, giáo dục với phương thức kết hợp cứu nước với duy tân nhằm tạo ra thực lực để đi đến giành độc lập tự do.
- Các phong trào yêu nước ba mươi năm đầu thế kỷ XX
Cuộc khai thác thuộc địa quy mô của thực dân Pháp cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, làm cho cuộc sống nhân dân ta tăm tối, rơi vào vòng lệ thuộc. Năm 1896 cuộc khởi nghĩa Hương Khê (Hà Tĩnh) bị thất bại. Việt Nam, một xã hội thuộc địa nửa phong kiến, một nước bị đô hộ, bị chia cắt, tuy có đổi mới nhưng không thực sự tiến bộ và cởi mở.
Cuộc khởi nghĩa Yên Thế (16/3/1884) xem là cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, dài nhất trong lịch sử dân tộc ta chống thực dân Pháp, kéo dài gần 30 năm từ năm 1884 đến năm 1913. Người đầu tiên có công xây dựng căn cứ khởi nghĩa ở vùng Yên Thế là Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm). Năm 1892 ông mất, sự nghiệp được giao lại cho phó tướng Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám) lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa Yên Thế dưới sự chỉ huy của Đề Thám đã vươn lên thành một lực lượng kháng chiến uy lực, gây ra những tổn thất nặng nề cho thực dân Pháp và tay sai. Yên Thế trở thành một cái gai khó nhổ của Pháp. Để dập tắt cuộc khởi nghĩa đầu tháng 11.1909, thực dân Pháp dồn lực lượng về Yên Thế, bao vây Đề Thám. Trong lần tấn công quyết liệt của địch lần này, bà Ba Cẩn (vợ ba Đề Thám) bị bắt, nhiều nghĩa quân khác lần lượt hy sinh. Nghĩa quân Yên Thế dần dần tan rã. Đề Thám chỉ còn lại một mình với hai người nghĩa quân sống ẩn náu trong núi rừng Yên Thế. Ngày 10.2.1913, ông bị bọn tay sai của Pháp sát hại.
Phong trào Đông Du (1905 – 1908): Đầu năm 1905, Phan Bội Châu vượt biển qua Nhật Bản “cầu viện”. Việc không thành, Cụ Phan Bội Châu lập tức chuyển thành “ cầu học” và kịp thời phát động phong trào tuyển chọn thanh niên yêu nước qua Nhật Bản học tập, đào tạo nhân tài để chuẩn bị cho cuộc đấu tranh giành độc lập và xây dựng đất nước “Việt Nam mới” văn minh và tiến bộ. Đến năm 1908 số học sinh Việt Nam tại Nhật lên tới 200 người. Đế quốc Pháp và phong kiến tay sai lo ngại trước sự phát triển của phong trào Đông Du đã nhanh chóng câu kết với giới cầm quyền Nhật Bản để bóp chết phong trào ngay từ buổi đầu còn trứng nước. Pháp và Nhật cùng nhau ký kết hiệp ước: Pháp đồng ý cho Nhật vào buôn bán ở Việt Nam, còn Nhật cam đoan không cho các nhà yêu nước Việt Nam trú ngụ và hoạt động trên đất Nhật. Tháng 9 năm 1908, khi các học sinh trường Trấn Võ đang làm lễ tốt nghiệp thì Bộ Nội vụ Nhật hạ lệnh giải tán tổ chức học sinh Việt Nam, tịch thu các văn kiện, đuổi học sinh ra ngoài nước Nhật. Tháng 2 năm 1909, Phan Bội Châu, Cường Để cũng bị trục xuất ra khỏi nước Nhật. Phan Bội Châu và các đồng chí của Cụ phải trốn về Trung Quốc rồi qua Xiêm hoạt động một thời gian chờ đợi những cơ hội mới.
Phong trào Duy Tân ở Quảng Nam (1905 - 1908): Phan Châu Trinh cùng với Huỳnh Thúc Kháng và Trần Quý Cáp phát động phong trào Duy Tân ở Quảng Nam với 3 mục tiêu: khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh. Đầu năm 1906, ông ra Bắc bàn với thân sĩ Bắc Kỳ về phong trào Duy tân, tham gia giảng dạy ở Đông Kinh nghĩa thục Hà Nội. Ông còn lên tận Phồn Xương thuộc chiến khu Yên Thế, gặp Hoàng Hoa Thám, rồi tìm đường sang Trung Quốc, Nhật Bản gặp Phan Bội Châu để quan sát tìm hiểu, nghiên cứu đường lối duy tân, tự cường của Nhật. Cuối năm này, ông về nước, viết Đầu Pháp chính phủ thư (thường gọi là Thư gửi Chính phủ Pháp), trình bày những nỗi khổ cực, bần hàn của dân ta dưới chính thể bảo hộ. Tháng 3 năm 1908, phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ nổ ra, và bị triều Nguyễn và chính phủ bảo hộ Pháp đàn áp dữ dội. Phan Châu Trinh cùng nhiều thành viên trong phong trào Duy Tân bị nhà cầm quyền buộc tội đã khởi xướng phong trào chống thuế nên đều bị bắt. Phan Châu Trinh bị bắt ở Hà Nội, giải về Huế. Nhờ sự can thiệp của những người Pháp có thiện chí và những đại diện của Hội Nhân quyền tại Hà Nội, họ buộc lòng phải kết ông án “trảm giam hậu, lưu tam thiên lý, ngộ xá bất nguyên” (nghĩa là tội chém nhưng chỉ giam lại, đày xa ba ngàn dặm, gặp ân xá cũng không cho về), rồi đày đi Côn Đảo ngày 4-4-1908.
Tháng 3-1907, trong phong trào Duy Tân khi ấy, Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời. Đông Kinh Nghĩa Thục ra đời dưới sự sáng lập của một số nhà nho yêu nước, đứng đầu là Lương Văn Can. Tham gia sáng lập trường còn có rất nhiều nhân sĩ nổi tiếng đương thời, như: Nguyễn Quyền, Đào Nguyên Phổ, Dương Bá Trạc, Lê Đại, Hoàng Hữu Cầu, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Bá Học... Tiếc thay, thấy mầm mống của cách mạng và tinh thần yêu nước của phong trào, thực dân Pháp đã ra lệnh đóng cửa trường Đông kinh Nghĩa thục cuối năm 1907.
Ngày 27/6/1908, các tầng lớp sỹ phu, trí thức yêu nước và những bồi bếp, binh lính yêu nước người Việt trong quân đội Pháp phối hợp nghĩa quân Yên Thế dùng cà độc dược đầu độc binh lính Pháp sử sách thường gọi là vụ “Hà thành đầu độc”. Sau những cuộc thẩm vấn kéo dài, ngày 27.11.1908, hội đồng này đã tuyên 12 án tử hình, 6 án tử hình khiếm diện, 4 án chung thân và 31 án tù có thời hạn khác. Cuộc binh biến Hà thành tuy không thành công, nhưng đã gây chấn động hệ thống cai trị của chính quyền thực dân ở Đông Dương.
Trong suốt 80 nǎm đô hộ của thực dân Pháp nhiều phong trào yêu nước của nhân dân ta do các sĩ phu phong kiến yêu nước khởi xướng đã liên tiếp nổ ra như: phong trào Cần Vương, phong trào Đông Du, phong trào Đông Kinh nghĩa thục, khởi nghĩa Yên Thế v.v... Nhưng tất cả những phong trào yêu nước đó đều thất bại.
- Trong bối cảnh đó, tháng 6-1911, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã rời Tổ quốc ra đi tìm con đường cứu nước giải phóng dân tộc. Năm 1920 Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc đã đến với chủ nghĩa Mác - Lênin; đây không chỉ là bước ngoặt đối với cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, mà còn là bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Sau một thời gian ngắn tham gia học tập ở Liên Xô và hoạt động trong Quốc tế Cộng sản, tháng 11-1924, Nguyễn Ái Quốc về Quảng Châu (Trung Quốc) trực tiếp chỉ đạo việc chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Tại đây, Người sáng lập và trực tiếp huấn luyện Hội Việt Nam Cách mạng thanh niên, sáng lập và viết bài cho báo Thanh niên, xuất bản tác phẩm Đường Kách mệnh (1927)... nhằm tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin vào trong nước. Người tổ chức đào tạo bồi dưỡng cán bộ cốt cán, tiếp tục chuẩn bị về mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức cho việc thành lập Đảng. Sự truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin vào phong trào quần chúng và phong trào công nhân, làm cho phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân và các tầng lớp nhân dân phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi phải có tổ chức đảng chính trị lãnh đạo. Vì vậy, các tổ chức cộng sản lần lượt được thành lập: Ngày 17-6-1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ; Mùa Thu năm 1929, An Nam Cộng sản Đảng được thành lập ở Nam Kỳ; Ngày l-l-1930, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn được thành lập ở Trung Kỳ.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập
- Từ ngày 3 đến 7-2-1930, tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc), dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất ba tổ chức Cộng sản ở Việt Nam là Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, thành một đảng duy nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam tiến hành giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội, giải phóng con người tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hội nghị thông qua Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt, Chương trình tóm tắt và Điều lệ vắn tắt của Đảng. Ngày 3 tháng 2 năm 1930 trở thành Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập là bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam: Chấm dứt sự khủng hoảng, bế tắc về đường lối cứu nước của các phong trào yêu nước Việt Nam từ khi thực dân Pháp xâm lược đến những năm 20 của thế kỷ XX.
- Cao trào cách mạng (1930 - 1931)
Cao trào cách mạng (1930 - 1931) mà đỉnh cao là Xôviết Nghệ - Tĩnh - Xôviết Việt Nam đầu tiên trong lịch sử cách mạng Việt Nam là sự phát triển tất yếu của cao trào đấu tranh cách mạng của công nhân và nông dân cả nước trong những năm 1930-1931.
Trong thời gian này tình hình thế giới có những diễn biến đáng chú ý. Sự ra đời chủ nghĩa phát xít ở Italia và Đức, sự xuất hiện của chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản, đã trực tiếp đe dọa hòa bình, dân chủ và tiến công vào phong trào cách mạng thế giới...
Ở Việt Nam, vào cuối năm 1931, cách mạng nước ta bước vào thời kỳ thoái trào. Thực dân Pháp thi hành chính sách đàn áp khủng bố rất tàn bạo, nhất là đối với Nhân dân Nghệ An, Hà Tĩnh. Cơ quan Trung ương, các xứ ủy Nam Kỳ, Trung Kỳ, Bắc Kỳ, nhiều cơ quan tỉnh, huyện, xã bị phá vỡ hầu hết. Kẻ địch định dìm phong trào cách mạng của quần chúng trong biển máu, tình hình đen tối tưởng như không có đường ra. Cách mạng đứng trước thử thách lớn.
- Cao trào vận động dân chủ (1936 - 1939)
Giai đoạn 1936-1939, trước nguy cơ phát xít, Đảng ta thành lập Mặt trận Dân chủ Đông Dương, nhằm kết hợp đấu tranh dân tộc với đấu tranh dân chủ để chống phát xít. Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ tháng 9-1939, Đảng ta đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, nêu cao nhiệm vụ giải phóng dân tộc, tạm thời hạ thấp khẩu hiệu “phản phong”.
Năm 1936, tình hình chính trị nước Pháp có những chuyển biến có lợi cho nhân dân Đông Dương. Trước họa phát xít và nguy cơ chiến tranh đe dọa loài người, phòng trào chống phát xít, chống chiến tranh dâng cao ở Pháp, Tây Ban Nha…
Ở Việt Nam, vào thời gian này, Đảng Cộng sản Đông Dương phát động phong trào Mặt trận Dân chủ và cuộc vận động Đông Dương đại hội.
- Cao trào giải phóng dân tộc (1939 - 1945)
Sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ (1-9-1939), thực dân Pháp phát xít hóa bộ máy thống trị và thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng Đông Dương. Đảng nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật, giữ vững liên hệ với quần chúng, chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, nhấn mạnh vấn đề giải phóng dân tộc. Hội nghị Trung ương Đảng (6-11-1939) do Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ chủ trì đã đề ra mục tiêu đánh đổ đế quốc, giành độc lập hoàn toàn.
Ngày 23-9-1940, phát xít Nhật chiếm Lạng Sơn, ném bom Hải Phòng và đổ bộ lên Đồ Sơn. Ngày 27-9-1940, Nhân dân Bắc Sơn (Lạng Sơn) dưới sự lãnh đạo của đảng bộ đã khởi nghĩa. Đó là cuộc khởi nghĩa mở đầu phong trào giải phóng dân tộc ở Đông Dương. Hội nghị lần thứ 7 của Trung ương Đảng (11-1940) tiếp tục chủ trương giải phóng dân tộc, duy trì lực lượng vũ trang Bắc Sơn, xây dựng căn cứ địa cách mạng. Hội nghị quyết định đình chỉ cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vì điều kiện chưa chín muồi, nhưng vì lệnh đình chỉ tới chậm, khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn nổ ra vào ngày 23-11-1940 và bị địch đàn áp đẫm máu. Ngày 13-1-1941, binh lính đồn chợ Rạng (Đô Lương - Nghệ An) cũng nổi dậy, nhưng nhanh chóng thất bại. Các cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn và binh biến Đô Lương báo hiệu cuộc khởi nghĩa toàn quốc, là bước đầu của thời kỳ đấu tranh vũ trang cách mạng ở nước ta.
Ngày 28-1-1941, sau 30 năm hoạt động ở nước ngoài, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trở về nước cùng Trung ương Đảng trực tiếp lãnh đạo cách mạng. Từ ngày 10 đến ngày 19-5-1941, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp ở Pác Bó (Cao Bằng) do Nguyễn Ái Quốc chủ trì. Sau khi phân tích tình hình thế giới và trong nước, Hội nghị quyết định nêu cao ngọn cờ giải phóng dân tộc, thành lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp và tổ chức lực lượng quần chúng ở Việt Nam (ở Lào và Campuchia có mặt trận riêng). Hội nghị chủ trương đẩy mạnh xây dựng lực lượng vũ trang, căn cứ địa cách mạng, chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, coi đó là nhiệm vụ trung tâm, tiến hành khởi nghĩa từng phần, tiến tới Tổng khởi nghĩa. Chú trọng công tác xây dựng Đảng, bầu Ban Chấp hành Trung ương mới, Hội nghị đã bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư. Tháng 8-1943, căn cứ địa Bắc Sơn - Vũ Nhai và căn cứ địa Cao Bằng được nối liền và sau đó phát triển thành Khu giải phóng Việt Bắc. Từ căn cứ địa Bắc Sơn - Vũ Nhai, Cứu quốc quân đẩy mạnh hoạt động sang Thái Nguyên, Tuyên Quang. Năm 1943, phong trào đô thị cũng được đẩy mạnh.
Cách mạng Tháng Tám 1945
Từ tháng 3 đến tháng 8/1945, thời điểm đó, tình hình chính trị vô cùng phức tạp, phát xít Nhật đảo chính hất cẳng Pháp (09/3/1945). Đảng ta tiếp tục đề ra nhiều chủ trương nhằm chuyển hướng đấu tranh cách mạng, củng cố lực lượng như: thống nhất các lực lượng vũ trang thành Việt Nam giải phóng quân (tháng 4/1945); ra Chỉ thị tổ chức các Ủy ban Dân tộc giải phóng các cấp và chuẩn bị thành lập Ủy ban giải phóng dân tộc Việt Nam, tức Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam.
Ngày 12/3/1945, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, trong đó phân tích: "Mặc dù tình hình chính trị khủng hoảng sâu sắc, nhưng điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương chưa thực sự chín muồi" và dự báo "ba cơ hội tốt" "sẽ giúp cho những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương chín muồi một cách mau chóng và một cao trào cách mạng nổi dậy: Chính trị khủng hoảng (quân thù không rảnh tay đối phó với cách mạng); Nạn đói ghê gớm (quần chúng oán ghét quân cướp nước); Chiến tranh đến giai đoạn quyết liệt (Đồng minh sẽ đổ bộ vào Đông Dương đánh Nhật)".
Đầu tháng 5/1945, Bác Hồ từ Cao Bằng về Tuyên Quang, chọn Tân Trào làm căn cứ chỉ đạo cách mạng cả nước. Tại đây, Người đã có Thư kêu gọi khởi nghĩa, ban hành Mệnh lệnh khởi nghĩa, công bố Lệnh khởi nghĩa (Quân lệnh số 1 của Ủy ban Khởi nghĩa)…
Ngay khi nhận được tin Nhật chính thức đầu hàng Đồng minh vô điều kiện (ngày 15/8/1945), Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) (tháng 8/1945) quyết định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương.
Ý nghĩa lịch sử:
Cách mạng Tháng Tám thành công ngày 19-8-1945, đánh dấu sự thành công của cách mạng Việt Nam, đưa đất nước thoát khỏi sự áp bức, bóc lột gần 100 năm của thực dân Pháp, xóa bỏ hoàn toàn chế độ phong kiến, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.Tháng 8-1945, Hội nghị đại biểu toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào (Tuyên Quang) khẳng định: “Cơ hội rất tốt cho ta giành độc lập đã tới” và quyết định phát động toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và tay sai trước khi quân Đồng minh vào Đông Dương; đề ra ba nguyên tắc bảo đảm tổng khởi nghĩa thắng lợi, đó là: Tập trung, thống nhất, kịp thời. 23 giờ ngày 13-8-1945, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1 hiệu triệu toàn dân tổng khởi nghĩa.
Ngày 16-8-1945, Đại hội Quốc dân họp tại Tân Trào thông qua “10 chính sách lớn của Việt Minh”; thông qua “Lệnh tổng khởi nghĩa”; quy định quốc kỳ, quốc ca; thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Trung ương, tức Chính phủ Lâm thời do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi nhân dân cả nước tổng khởi nghĩa, trong đó chỉ rõ: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”.Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa.
Sau Đại hội Quốc dân (ngày 16/8/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên Tổng khởi nghĩa.
Trong thư, Người thiết tha kêu gọi: "Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta.
Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ.
Tiến lên! Tiến lên? Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”.
Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam ra hiệu triệu
Ngày 16/8/1945, Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch ra đời tại Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang.
Sau khi thành lập, Uỷ ban Giải phóng dân tộc Việt Nam ra lời hiệu triệu tới toàn thể nhân dân và các đoàn thể Cứu quốc, trong đó nhấn mạnh: “Ngày vĩ đại và quyết liệt của dân tộc ta đã đến. Chúng ta hãy vùng dậy tuốt gươm, lắp súng để định đoạt lấy số phận của mình. Chúng ta quyết thắng và sẽ thắng!”.
Ngày 17/8/1945: Cuộc mít tinh lớn ở Hà Nội
Trong không khí chuẩn bị khởi nghĩa sôi sục ở Hà Nội, cuộc mít tinh do Tổng hội Công chức được tổ chức ở Quảng trường Nhà hát lớn vào chiều ngày 17/8/1945.
Từ nhiều nguồn chỉ đạo, các tổ chức Cứu quốc ở nội, ngoại thành và một số huyện, phủ ở Gia Lâm, Hà Đông sát với Hà Nội đã bí mật huy động quần chúng đến tham dự, đưa tổng số người tham gia mít tinh lên tới hàng vạn, tràn ngập trước và xung quanh Nhà hát lớn. Các hội viên tự vệ chiến đấu, tuyên truyền xung phong được bố trí trong quần chúng đợi lệnh sẵn sàng hành động.
Cuộc mít tinh do Tổng hội Công chức tổ chức trở thành cuộc mít tinh tuần hành ủng hộ Việt Minh có một ý nghĩa rất to lớn đối với cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội.
Trên cơ sở phân tích những nhân tố được thể hiện qua cuộc mít tinh, Uỷ ban Khởi nghĩa Hà Nội họp và ra một quyết định lịch sử: khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 19/8/1945.
Sáng ngày 19 tháng 8 năm 1945, nhân dân đồng loạt kéo về Nhà hát lớn Hà Nội để thực hiện cuộc mít tinh lớn chưa từng có trong lịch sử với sự bảo vệ của Thanh niên tự vệ. Cuối ngày, quân dân ta đã nhanh chóng làm chủ khu vực này. Thắng lợi ở Hà Nội đã trở thành sức mạnh kéo theo sự bùng nổ và tiếp thêm sức mạnh cho các cuộc giải phóng ở những tỉnh thành khác.
Cách mạng thành công ngày 19/8/1945, tại thủ đô Hà Nội đã có một ý nghĩa vô cùng lớn lao, Hà Nội đã trở thành ngọn cờ đầu của Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945, giành thắng lợi trong cả nước.
Sau một thời gian chuẩn bị rất ngắn, Xứ uỷ Bắc Kỳ, Thành uỷ Hà Nội đã phát động nhân dân Hà Nội nổi dậy giành chính quyền vào ngày 19/8/1945.
Ngay từ sáng sớm, Hà Nội đỏ rực màu cờ cách mạng. Hàng vạn nông dân, dân nghèo, với các vũ khí thô sơ từ Láng, Mọc kéo ra chiếm đại lý Hoàn Long, tuyên bố thành lập chính quyền cách mạng khu vực Ngã Tư Sở, mở đầu cho cuộc khởi nghĩa ở nội thành.
Hàng vạn quần chúng nhân dân ngoại thành, từ các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Hoài Đức, Đan Phượng (Hà Đông), Gia Lâm (Bắc Ninh) mang theo cờ Việt Minh, gậy gộc, mã tấu, dao phát bờ, câu liêm tiến vào nội thành với sức mạnh như thác đổ. Tất cả đều tập hợp trước Nhà hát lớn. Cả Thành phố Hà Nội như rung chuyển trong tiếng hô khẩu hiệu: "Ủng hộ Việt Minh", “Chính quyền nhân dân cách mạng", "Cách mạng thành công muôn năm", "Lập uỷ ban dân quân cách mạng", “Việt Nam hoàn toàn độc lập", “Đả đảo các cuộc xâm lăng", “Đả đảo mọi thế lực chống cách mạng Việt Nam”, “Chống xâm lăng"...
Đúng 11 giờ, trước hơn 20 vạn người tập trung trước Nhà hát lớn, Uỷ ban Khởi nghĩa đọc lời kêu gọi khởi nghĩa. Sau đó cuộc mít tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang giành chính quyền. Quần chúng cách mạng có các đơn vị võ trang tự vệ dẫn đầu chia thành hai khối lớn đi chiếm các vị trí trọng yếu: Phủ Khâm sai, Sở Bưu điện, Sở Cảnh sát... Trước sức mạnh áp đảo của quần chúng và lực lượng tự vệ kiên cường, hầu hết các công sở chính quyền địch đều nhanh chóng về tay nhân dân. Riêng ở trại lính bảo an, quân Nhật cho xe tăng chặn đầu đoàn biểu tình, nhưng trước khí thế sôi sục của quần chúng, lại được các đồng chí ta thuyết phục, nói rõ chính sách của Đảng, Việt Minh, chúng phải rút lui. Ngay khi chiếm được Phủ Khâm sai, đồng chí uỷ viên Thường vụ Xứ uỷ Bắc Kỳ có mặt tại đó gọi điện cho Thị trưởng, Tỉnh trưởng các tỉnh Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định báo tin cách mạng đã thành công ở Hà Nội, ra lệnh cho chúng phải nhanh chóng trao chính quyền cho Việt Minh địa phương. Tối ngày 19/8, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội kết thúc thắng lợi.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân cả nước đồng loạt vùng dậy, tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền. Từ ngày 14 đến ngày 18-8, cuộc tổng khởi nghĩa nổ ra giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng Bắc Bộ, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và ở các thị xã: Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Hội An, Quảng Nam... Ngày 19-8, khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi ở Hà Nội.
Quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng tiến hành cao trào cách mạng 1930 - 1931, đây là cuộc tổng diễn tập đầu tiên chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám. Cao trào dân chủ 1936 - 1939, là cuộc tổng diễn tập thứ 2 chuẩn bị cho cách mạng tháng tám. Cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939 - 1945 là cuộc diễn tập thứ ba trực tiếp dẫn đến thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Quần chúng nhân dân được chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng nổi dậy khởi nghĩa khi thời cơ đến.
Chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8/1945 (từ 13 đến 28/8/1945), dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, 25 triệu đồng bào ta, với tinh thần "đem sức ta mà giải phóng cho ta" đã nhất tề vùng lên giành chính quyền, tổng khởi nghĩa thắng lợi hoàn toàn. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy!”.
Tư liệu:
- Phong trào Đông Du (1905 – 1908)- Một hình thức xây dựng lực lượng cách mạng những năm đầu thế kỷ XX.(https://baotanglichsu.vn/);
- Phan Bội Châu- Phan Châu Trinh và khuynh hướng cứu nước đầu TK XX - https://se.ctu.edu.vn/;
- Một nền giáo dục mới từ Đông Kinh Nghĩa Thục - https://baodongnai.com.vn/;
- 100 Đông Kinh Nghĩa Thục và công cuộc cải cách giáo dục ở Việt Nam hiện nay - https://vnu.edu.vn/home/; - Kỷ niệm 110 năm sự kiện Hà thành đầu độc - https://dangcongsan.vn/;
- Việt Nam những chuyển biến đầu thế kỷ 20: Vụ Hà thành đầu độc - https://thanhnien.vn/viet-nam-nhung-chuyen-bien-dau-the-ky-20-vu-ha-thanh-dau-doc-1851465738.htm;
- Khởi nghĩa Yên Thế - Trang sử vàng của cách mạng Việt Nam - https://yenthe.bacgiang.gov.vn/;
- Cần Vương - https://thuathienhue.gov.vn/;