Đô thị hóa bền vững là gì?

NGUYỄN VĂN BÁCH
7/14/2017

Rất khó để đưa ra được một định nghĩa hay hệ khái niệm thống nhất về đô thị hóa bền vững vì bản chất đa dạng và đa chiều nhưng có thể hiểu Đô thị hóa bền vững là việc phát triển đô thị giải quyết được mối quan hệ hữu cơ, mật thiết giữa: kinh tế đô thị; văn hóa xã hội đô thị; môi trường - sinh thái đô thị; cơ sở hạ tầng đô thị và quản lý đô thị.
Xu thế đô thị hóa và vai trò gia tăng của đô thị hóa trong phát triển kinh tế xã hội là các vấn đề và thách thức to lớn đòi hỏi phải có sự thay đổi trong cách tiếp cận quản lý và phát triển đô thị. Vì vậy, cần phải có các chiến lược và giải pháp đa ngành và liên kết để hỗ trợ cho quá trình quản lý đô thị, giải quyết vấn đề và thúc đẩy sáng tạo hướng tới phát triển bền vững và bao trùm. "Đô thị hóa bền vững” nhằm đề xuất các khuyến nghị chính sách hỗ trợ “Các thành phố trở nên an toàn, vững chắc và bền vững”. Phát triển đô thị bền vững được dựa trên một hệ thống nhóm các tiêu chí (Criteria) trong đó có rất nhiều tiểu tiêu chí (Sub - criteria) cụ thể khác:
- Lấy con người làm trung tâm của sự phát triển
- Cân bằng giữa mục tiêu phát triển kinh tế và môi trường tự nhiên
- Cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và xã hội
- Phát triển hài hòa giữa con người với công nghệ - kỹ thuật
- Đảm bảo phát triển đa văn hóa và đời sống đạo đức, tinh thần của các nhóm người khác biệt nhau
- Đảm bảo an ninh, hòa bình, trật tự và ổn định xã hội
- Đảm bảo sự tham gia dân chủ của người dân trong tiến trình phát triển đô thị
- Công bằng xã hội trong đời sống kinh tế
- Đảm bảo hài hòa giữa các thế hệ
- Phát triển không gian hợp lý
- Phát triển cân đối đô thị - nông thôn.
Như nhiều quốc gia đang phát triển khác, quá trình đô thị hóa của Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như tốc độ đô thị hóa nhanh, phát triển không đồng bộ giữa hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, chênh lệch giàu nghèo, liên kết đô thị - nông thôn...và các vấn đề mới nảy sinh mang tính toàn cầu như hội nhập, cạnh tranh đô thị, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng cao.

Xem thêm