Đô thị hóa thành phố Hồ Chí Minh - ghi chép sơ lược

NGUYỄN VĂN BÁCH
4/30/2016

Nhân kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước và để hiểu thêm và quá trình phát triển của thành phố Hồ Chí Minh từ quá khứ tới tương lai. Bài viết "Đô thị hóa thành phố Hồ Chí Minh", được nghiên cứu, sưu tầm qua các tác phẩm báo chí và sách viết về chủ đề đô thị hóa; đô thị hóa thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên đây chỉ chép lại sơ lược, khái quát để có được những nắm bắt cơ bản bởi Đô thị Sài Gòn - Gia đình nay là TP Hồ Chí Minh được hình thành sớm, với nhiều yếu tố đặc trưng, trải qua thăng trầm lịch sử.
1. Vai trò vị trí:
- Hiện nay, Thành phố Hồ Chí Minh được xác định là hạt nhân trọng điểm của phía Nam bao gồm 8 địa phương: TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang. Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố đông dân nhất ở Việt Nam và là một trong những đô thị lớn trong khu vực Đông Nam Á và thế giới. Thành phố Hồ Chí Minh đã vượt qua ngưỡng của đô thị siêu hạng và đang có khuynh hướng trở thành thành phố cực lớn (mega city).
- Quá trình phát triển của lịch sử và suốt hơn 80 năm dưới thời thuộc Pháp, do điều kiện tự nhiên, Sài Gòn-Gia Định và TPHCM ngày nay đã là thành phố đứng hàng đầu Đông Dương và được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”, là thủ phủ của xứ Nam Kỳ thuộc 6 địa Pháp, trở thành thủ đô kinh tế của Liên bang Đông Dương và là đầu cầu giao thương với thị trường Hồng Kông và Singapour thuộc Anh.

2. Định hướng:
2.1. Thời kỳ Tiền thuộc địa: Giai đoạn 1859 – 1865, các công binh Pháp và các đô đốc hải quân lần đầu tiên thiết lập chương trình “Các công trình mới” trên một bản quy hoạch nhằm xác định địa điểm xây dựng các công trình chiến lược hồi đó.
Điển hình là sơ đồ quy hoạch đô thị Sài Gòn được trung tá công binh Pháp là Coffyn vẽ trên cơ sở của Nghị định do Charner phác họa ngày 11 - 2 - 1861. Phác đồ này gồm nhiều khu hành chính, thương mại, nhà ở công chức Pháp, trại lính v.v… dành cho số dân là 500.000 người. Đề án của Coffyn bị coi là hết sức viển vông và bị người Pháp bác bỏ, vì họ cho rằng không bao giờ Sài Gòn có đủ số dân đó (cả Nam Bộ lúc đó chỉ có gần 1 triệu dân). Coffyn đã đúng, nhưng có lẽ ông cũng chưa hình dung hết quá trình đô thị hóa ở Sài Gòn sau này lại diễn ra rất nhanh chóng. Điểm khởi đầu của quá trình đô thị hóa ở Sài Gòn là việc xây dựng phố Catinat và một hệ thống nhà thờ Công giáo ở khu vực người Việt và người Hoa.
2.2. Thời thuộc địa: Nhiều định hướng, quy hoạch được định hướng, điều chỉnh, bổ sung, kế thừa.
- Tháng 6/1923 KTS Hébrard được bổ nhiệm đứng đầu Văn phòng quy hoạch Sài Gòn lập quy hoạch bổ sung thêm hệ thống các quảng trường và chỉnh sửa những điểm giao cắt lớn có vòng xoay nhằm nâng cấp bộ mặt đô thị.
- Trước năm 1972, các chuyên gia Mỹ và Tổng cục Gia cư đưa ra năm phương án quy hoạch định hướng cho thành phố Sài Gòn để lựa chọn qui mô và hướng phát triển chủ dạo của không gian thành phố trong tương lai. Đây là mô hình đô thị dạng Doxiadis lập cho 10 triệu dân trong tương lai vốn mới mẻ trên thế giới vì dựa vào lý thuyết của các siêu đô thị
2.3. Giai đoạn sau 1975: 
- Bảy năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, vào tháng 9 năm 1982, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 01 về phát triển thành phố Hồ Chí Minh.
- Bản quy hoạch năm 1998: Sau năm 1985, dưới tác động của chính sách đổi mới trên thực tế thành phố phát triển mạnh về phía Tây và Tây bắc với dòng người di cư đến từ phía Bắc vào và các tỉnh lân cận đến. Đồ án “Quy hoạch chung thành phố đến 2020” thời kì này được phê chuẩn năm 1998.
- Bản quy hoạch năm 2006: Thành phố thông qua Quy hoạch điều chỉnh phát triển đến 2020, quy hoạch này quyết định thành phố sẽ phát triển theo hướng mở, phi tập trung, đa trung tâm, kết hợp giữa lan tỏa và phát triển theo tất cả các nhánh dọc các trục giao thông lớn, có hệ thống đô thị vệ tinh làm đối trọng. Hướng phát triển chính của thành phố là phía Đông Bắc là Thủ Đức, Thuận An (Bình Dương), Biên Hòa (Đồng Nai), phía Nam là Nhà Bè, Bình Chánh, ra biển là Cần Giờ. Hướng phụ là Tây Bắc Hóc Môn, Củ Chi. Dân số dự kiến đến năm 2020 là 10 triệu người (trong đó 6 triệu nội thành và 2 triệu khách vãng lai, 2 triệu ngoại thành).
- Bản Quy hoạch điều chỉnh năm 2010: Tháng 1/2010, Thủ tướng chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025 với diện tích 2.095km2. TP.HCM sẽ trở thành “đô thị đặc biệt, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước; đầu mối giao lưu quốc tế; trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực và Đông Nam Á”, một đô thị trung tâm đa chức năng. Bản quy hoạch này đã tiếp nối và dựa vào thành công của khu Phú Mỹ Hưng – là hệ quả trực tiếp của việc thiết lập khu chế xuất Tân Thuận tại Nhà bè đánh dấu sự tiến xuống phía Nam đổi mới.
- Theo Quyết định số 1570/QĐ-TTg phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025. Theo đó TP.HCM là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ, có vị trí chính trị quan trọng của cả nước và sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ đa lĩnh vực của khu vực Đông Nam Á. Mục tiêu xây dựng TP.HCM bao gồm: phát triển bền vững, hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo tồn di tích lịch sử, văn hoá và bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng theo hướng liên kết vùng để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại.
Đến năm 2025, dân số thành phố sẽ vào khoảng 10 triệu người. Quy mô xây dựng đất đai đô thị khoảng 90.000 - 100.000 ha, trong đó khu nội thành cũ là 14.000 ha, khu nội thành phát triển khoảng 35.000 ha và khu ngoại thành khoảng 40.000 - 50.000 ha với dân số nông thôn khoảng 0,5 triệu người. Với mục tiêu trên, quá trình ĐTH của TP.HCM diễn ra với tốc độ rất nhanh. Do vậy, vấn đề ĐTH của TP.HCM phải được xem xét, giải quyết trong nội dung phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường - sự phát triển vừa thỏa mãn được nhu cầu của thế hệ hiện tại, vừa không làm tổn hại đến cuộc sống của thế hệ tương lai.
Từ năm 1982 đến nay, Bộ Chính trị đã có 3 lần ban hành nghị quyết về TPHCM (Nghị quyết 01-NQ/TW ngày 14/9/1982, Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 18/11/2002 và Nghị quyết 16-NQ/TW ngày 10/8/2012).
3. Lịch sử phát triển:
Thành phố Hồ Chí Minh - với tên gọi quen thuộc từ xưa là Sài Gòn, là một vùng đất sớm hình thành và phát triển. Thành phố được hình thành trên lằn ranh giới giữa hai vùng phù sa cũ và mới nối từ Tây Ninh xuống thành phố và từ thành phố xuống Long Điền (Bà Rịa - Vũng Tàu). Thành phố Hồ Chí Minh thuộc vùng Đông Nam Bộ cận kề mật thiết với ba vùng Tây Nguyên, duyên hải Nam Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Thành phố hiện nay có diện tích khoảng 2.095 km2 , chiếm 0,76% diện tích toàn quốc, nằm ở tọa độ địa lý 100 10’ - 100 38’ vĩ Bắc đến 1060 22’ - 1060 54’ kinh Đông. Thành phố Hồ Chí Minh gồm 24 quận, huyện với 317 phường xã chia ra 19 quận đô thị nội thành với 254 phường rộng 494 km2 và 5 huyện nông thôn ngoại thành với 63 xã rộng 1.601 km2. Cư dân thành phố vào khoảng hơn 8,5 triệu người (2008), thuộc nhiều thành phần dân tộc khác nhau, ngoài người Việt còn có người Hoa, Khơ - me, Ấn, Mạ, S - tiêng và cả một số ngoại kiều, với mật độ dân số khoảng 4.057,3 người /km².
Nếu diện tích đô thị của Sài Gòn-Gia Định trong 300 năm chỉ đạt hoảng 140 km2, thì trong 30 năm qua, quy mô đô thị của TPHCM đã tăng lên 4 lần. Cho đến nay diện tích đất đã đô thị hóa khoảng 600 km2 so với 2.095 km2 đất tự nhiên.
3.1. Thời kỳ Tiền thuộc địa:
- Vào những thế kỷ đầu công nguyên, vùng Sài Gòn thuộc lãnh thổ vương quốc cổ Phù Nam. Đến thế kỷ thứ VII, Phù Nam suy yếu và bị Chân Lạp thôn tính, Sài Gòn trở thành vùng đất phụ thuộc lỏng lẻo Chân Lạp gồm hai khu vực Kampong Krâbei (tức Bến Nghé - nội thành Sài Gòn ngày nay) và Brai Nokor (nay là Sài Gòn - Chợ Lớn). Trong Gia Định thành thông chí, Trịnh Hoài Đức cũng nói Gia Định là đất thuộc Chân Lạp xưa, tên gọi Sài 3 Gòn xuất phát từ tên Brai Nokor, nghĩa là “rừng cây gòn”, người Hoa phiên âm thành Sài Côn, người Việt đọc thành Sài Gòn. Nội bộ Chân Lạp có chiến tranh liên miên và do người Khơ - me có thói quen sinh sống ở các rẻo ruộng cao, nên phần lớn vùng Nam Bộ vốn có nhiều đầm lầy, sông rạch bị bỏ thành hoang phế và gần như vùng đất vô chủ. Năm 1620, chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả công chúa Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chetha II (1618 - 1686) và ông đã cho lập hai đồn thu thuế ở Sài Gòn là Kas Brobei và Brai Nokor (1623).
- Đầu năm 1679, Sài Gòn được chọn làm nơi trú đóng cho các cơ quan công quyền bán chính thức của nhà Nguyễn.
- Năm 1698, chúa Nguyễn cử thống suất Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược. Nguyễn Hữu Cảnh đã lấy “đất Nông Nại làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên, lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn; mỗi dinh đặt chức lưu thú, cai bộ và ký lục để cai trị”. Năm 1698 trở thành mốc đánh dấu hình thành Sài Gòn, vì từ đó mới có phủ sở Gia Định, huyện sở Tân Bình thuộc phủ Gia Định, xứ Sài Gòn từ lúc đó mới chính thức là đất Việt Nam. Thủ phủ Gia Định đặt ở Bến Nghé và phố thị Bến Nghé (hay còn gọi là phố thị Bến Thành) xưa nằm trải trên bờ sông Sài Gòn và đường Nguyễn Huệ ngày nay. Từ năm 1698, Sài Gòn trở thành trị sở quan trọng nhất cho vùng đất mới phía nam.
3.2. Thời thuộc địa:Sau khi đánh chiếm thành Gia Định (1859), Pháp đã đổi tên thành phố Chợ Lớn (khu vực quận 5) và phố thị Bến Nghé (hay khu vực phố thị Bến Thành) là thành phố Sài Gòn. Thành Gia Định (tức thành Phụng) Pháp cũng gọi là thành Sài Gòn.
Ngày 15 - 3 - 1874, tổng thống Pháp ký sắc lệnh thành lập thành phố Sài Gòn. Đầu thế kỷ XX, Chợ Lớn sáp nhập vào thành phố Sài Gòn và Sài Gòn trở thành đô thị lớn nhất xứ Đông Dương thuộc Pháp.
3.3. Giai đoạn sau 1975: Ngày 30 - 4 - 1975, với sự toàn thắng của chiến dịch Hồ Chí Minh, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước Việt Nam thống nhất. Cuối tháng 6 đầu tháng 7 - 1976, Quốc hội khóa VI họp kỳ họp đầu tiên tại Hà Nội, quyết định đổi tên Sài Gòn là thành phố Hồ Chí Minh. Quá trình đô thị hóa ở thành phố Hồ Chí Minh đã trải qua nhiều thay đổi qua giai đoạn 1975 - 1985 và từ 1986 đến nay.
4. Đóng góp, anh hưởng:
Trước năm 1975, Sài Gòn chủ yếu vẫn là một trung tâm quyền lực chính trị, không giống với các thành phố công nghiệp của các nước tư bản phát triển. Quá trình đô thị hóa cưỡng bức ở Sài Gòn diễn ra ráo riết dưới tác động của chiến tranh xâm lược, đặc biệt là khi quân Mỹ nhảy vào miền Nam (8 - 3 - 1965). Các chiến dịch khai quang của Mỹ từ 1961 đến 1972, đặc biệt là chương trình sử dụng chất độc hoá học chứa dioxin trệt hạ lương thực (Denial Food Programs) đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn miền Nam Việt Nam nơi có tới 80% dân số là nông dân. Nó đã tạo nên quá trình đô thị hóa cưỡng bức đã làm xáo trộn và gây ra những tác hại toàn diện đối với môi trường và kinh tế xã hội miền Nam Việt Nam. Sự phát triển dân số đô thị Sài Gòn chủ yếu là nguyên nhân chiến tranh, còn lý do kinh tế thì rất phụ, vào năm 1971, 3/4 những người dân đô thị ở Sài Gòn không phải sinh ra ở đây. Nhờ vào viện trợ của quân đội Mỹ đổ ồ ạt vào miền Nam, bộ mặt của thành phố Sài Gòn biến đổi nhanh chóng, tuy nhiên bộ mặt phồn vinh của đô thị Sài Gòn chỉ là bên ngoài, song về thực chất sự phát triển của đô thị Sài Gòn trong giai đoạn 1954 - 1975 vẫn mang tính chắp vá, không thể phát triển đồng bộ theo chỉnh thể và bố cục thống nhất.
Trong 30 năm thực hiện CNH-HĐH và phát triển đô thị, vị trí vai trò của Thành phố ngày càng được khẳng định và nâng cao. Nếu năm 1991, TPHCM đóng góp khoảng 15% GDP của cả nước chiếm 6,4% dân số và 5,3% lao động thì đến năm 2013 con số tương ứng là 20,8%, 8,8% và 7,7%. So với năm 1991 quy mô dân số Thành phố đã tăng gần 2 lần nhưng nhờ sự tăng trưởng nhanh về kinh tế nên tổng sản phẩm nội địa tính theo đầu người đã tăng gần 8 lần.
Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố lớn nhất nước, có vị thế chính trị quan trọng, là trung tâm kinh tế, văn hóa lớn, là đầu mối giao lưu quốc tế, cửa ngõ thông nối Việt Nam với Đông - Nam - Tây - Bắc thế giới trong thời đại toàn cầu hóa kinh tế. Xưa kia, Sài Gòn đã từng là “hòn ngọc Viễn Đông” và trong tương lai, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ sánh vai cùng các thành phố hiện đại trong khu vực và thế giới. Hiện nay, Đảng bộ và nhân dân thành phố đang ra sức xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh thành thành phố văn minh, hiện đại. Dáng dấp một trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính tầm cỡ, mang đậm bản sắc dân tộc đang manh nha hình thành.
4.1. Đến phát triển kinh tế:
- Vào năm 1771 diễn ra giao tranh lớn giữa Tây Sơn và quân Nguyễn ở vùng đất Đồng Nai; cù lao Phố bị tàn phá nên người Hoa (vốn nắm vai trò kinh tế trọng yếu ở đây) bỏ 4 chạy xuống Gia Định, tái lập cơ nghiệp dọc theo kênh Bến Nghé từ khu vực Chợ Cũ Sài Gòn ngày nay đến khu vực Chợ Lớn cũ ngang Xóm Củi (khu vực bưu điện Quận 5 ngày nay). Phố thị Sài Gòn xưa, nay là Chợ Lớn thuộc Quận 5.
- Vào những năm 1970 - 1973, nhằm thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, phát triển kinh tế miền Nam, Mỹ và chính quyền Sài Gòn đã mở rộng cho tư bản nước ngoài đầu tư vào miền Nam. Trong những năm này, khu công nghiệp Sài Gòn - Biên Hòa hình thành, tập trung hơn 80% năng lực sản xuất công nghiệp của cả miền Nam, với máy móc trang thiết bị khá hiện đại. Đến giai đoạn này, hiện tượng nhập cư vào Sài Gòn - Gia Định vẫn tiếp tục diễn ra, nhưng không còn gay gắt như trước đây. Năm 1974, Sài Gòn - Gia Định có khoảng 38.000 cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Đô thị Sài Gòn –Gia Định trong thời kỳ 1954 - 1975 “tồn tại và phát triển theo định hướng phục vụ cho chiến tranh”, “thành trung tâm chính trị, kinh tế của khu vực lệ thuộc vào Mỹ, trở thành hậu phương vững chắc và nguồn nhân lực chủ yếu phục vụ cho cuộc chiến tranh xâm lược”.
- Trải qua một thời kỳ dài khó khăn (1975 - 1986), nhờ sự năng động và những cơ chế chính sách hợp lý Thành phố Hồ Chí Minh có sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế, tiến trình 11 đô thị hoá tiếp tục đẩy mạnh theo đà tăng trưởng, khởi sắc của kinh tế. Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh có sự chuyển dịch mạnh mẽ về cơ cấu, thành phố trở thành trung tâm xuất nhập khẩu lớn nhất cả nước.
- Giai đoạn đổi mới, bắt đầu từ năm 1986, Thành phố Hồ Chí Minh trở thành địa phương đi đầu về đột phá, sáng tạo trong các lĩnh vực, nhất là kinh tế đưa thành phố phát triển.
Có những giai đoạn kinh tế phát triển tăng tốc vượt bậc, nhưng cũng có những thời điểm bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, tuy nhiên, bằng sự lãnh đạo, điều hành hết sức linh hoạt của Đảng bộ và chính quyền mà thành phố đã vượt qua thời điểm khó khăn. Giai đoạn 2011-2014, bình quân tổng sản phẩm nội địa của thành phố tăng 9,6%, tăng gấp 1,7 lần so với cả nước; GDP bình quân đầu người đạt 5.131 USD vào cuối năm 2014. Đến nay, số hộ nghèo của thành phố có thu nhập dưới 16 triệu đồng/người/năm chỉ còn 1,35%, số hộ cận nghèo có thu nhập dưới 21 triệu đồng/người/năm là 2,7%.
Thành phố đã tập trung nguồn lực để phát triển quy hoạch đô thị, đặc biệt là lĩnh vực giao thông. Trong giai đoạn 2001-2014, nhiều công trình đã trở thành niềm tự hào của thành phố, đó là: hầm vượt sông Sài Gòn, đại lộ Võ Văn Kiệt, Phạm Văn Đồng, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây…
4.2. Văn hóa – xã hội:
- Với lịch sử phát triển đô thị hóa lâu đời từ giữa thế kỷ XVII, Văn hóa Sài Gòn là sự kết hợp của nhiều nhân tố hỗn hợp của văn hóa cư dân Việt 3 miền: Bắc, Trung, Nam. Ngoài ra, văn hóa Hán vùng Nam sông Dương Tử, đặc biệt là văn hóa Hán ở 3 tỉnh Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây miền Nam Trung Quốc thông qua những dân nhập cư lâu đời tạo nên một nền tảng của văn hóa Sài Gòn trên nhiều bình diện khác nhau
- Sài Gòn dưới thời Pháp thuộc chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Pháp địa phương, đặc biệt là miền Nam nước Pháp. Người Pháp khi xây dựng các công trình kiến trúc ở Sài Gòn đã “bê nguyên si nghệ thuật kiến trúc Pháp và châu Âu vào”.
- Khi Mỹ xâm lược miền Nam Việt Nam, chiếm đóng các đô thị, …thì nhiều đô thị như Sài Gòn, Mỹ Tho, Biên Hòa, Đà Nẵng v.v… nở rộ những hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu của đội quân xâm lược. Công việc chỉnh trang đô thị được đẩy mạnh, sân bay được mở rộng và xây dựng mới, khách sạn tối tân, nhà cao tầng, vũ trường, casino, nhà hàng snack - bar, đại lộ mở rộng, các dịch vụ hiện đại, một số xí nghiệp tối tân ra đời, xe ô tô con thượng hạng cùng xe jeep quân sự … đi lại ngày càng nhiều trên đường phố Sài Gòn. Tuy nhiên, trong khoảng thời gian từ năm 1954 - 1975, do chính sách “tát nước bắt cá, bình định nông thôn” của Mỹ, lượng dân nhập cư đổ vào Sài Gòn 15 ngày càng đông, hậu quả là Sài Gòn bị biến thành một thành phố phát triển hỗn độn, xô bồ, thiếu sự quy hoạch chung thống nhất: Những khu nhà ổ chuột, những khu dân cư nghèo nàn, nhà trên kênh rạch mọc tràn lan … Điều đó đã để lại rất nhiều trở ngại mà cho đến nay việc khắc phục nó vẫn còn rất khó khăn.
- Quá trình đô thị hoá từ 1954 đến 1975 đã gây nên sự phân hóa sâu sắc về văn hoá xã hội ở miền Nam Việt Nam. Ngày càng có nhiều người giàu lên nhanh chóng, nhờ vào các hoạt động dịch vụ cho bộ máy chiến tranh xâm lược. Số những người tỵ nạn chạy trốn khỏi các vùng bị pháo binh và máy bay Mỹ bắn phá và phun rải chất độc hóa học dạt vào Sài Gòn ngày càng gia tăng.
- Ngày nay, ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như ở Hà Nội, trang phục hiện đại đã trở nên quen thuộc trong đời sống. Chiếc áo dài truyền thống vẫn giữ vị trí độc tôn, nhưng các trang phục khác như váy, áo đầm, quần short, jean, áo pull vẫn được ưa chuộng do tính chất đơn giản, gọn gàng, tiện lợi của nó. Trong văn hóa ẩm thực của cư dân Sài Gòn cũng có nhiều sự thay đổi. Thành phố Hồ Chí Minh nổi tiếng với những nhà hàng sang trọng. Đô thị hóa làm sự chuyển hóa các cụm cư dân nông thôn thoát ly nông nghiệp theo hướng phát triển trình độ dân trí, khoa học kỹ thuật, hình thành các ngành nghề mới xây dựng nếp sống văn minh đô thị
5. Khó khăn, thách thức: Việc thực hiện mục chiến lược phát triển đô thị còn gặp rất nhiều lực cản lớn, đó là những hậu quả về kinh tế, văn hóa, xã hội mà lịch sử đã để lại; dân số tự nhiên và cơ học tăng nhanh; ý thức người dân, nếp sống văn hóa đô thị chưa cao; hệ thống pháp luật chưa hoàn thiện; đội ngũ cán bộ quản lý chuyên nghiệp thiếu hụt về số lượng lẫn chất lượng từ cấp thành phố đến tận phường xã, kể cả bộ phận nghiên cứu qui hoạch phát triển đô thị chuyên trách... Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa và cuộc sống đô thị cùng với cỗ xe thời gian cứ thế lăn bánh suốt hàng trăm năm qua đã và đang làm cho vùng đất Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh, vốn rộng lớn, nay trở nên hỗn tạp, chật hẹp và đông đúc.
6. Bài học kinh nghiệm:
- Tận dụng tối đa lợi thế so sánh của địa phương mình trong tổng thể khu vực, tổng thể vùng nhằm phát huy tối đa tiềm năng của địa phương để phát triển kinh tế xã hội, nâng cao đời sống nhân dân;
- Tập trung nguồn lực và xã hội hóa đầu tư đặt biệt là kết cấu hạ tầng “đột phá”.
- Đầu tư kết cấu hạ tầng đường bộ, phát triển theo dự án lớn để tạo sự đồng bộ về kết cấu hạ tầng và mỹ quan đô thị, phát triển kinh tế xã hội;
 - Vận dụng tốt các chính sách, quyết định của Trung ương áp dụng thông thoáng trên địa bàn. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa, nhanh gọn với tinh thần cầu thị, tôn trọng hỗ trợ doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ công chức và chính quyền địa phương các cấp. Lãnh đạo địa phương phải thực sự quan tâm giải quyết các khó khăn của doanh nghiệp. Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và xúc tiến thương mại, xem chỉ tiêu PCI là thước đo, nỗ lực phấn đấu của mỗi địa phương.
7. Giải pháp:
7.1. Ngắn hạn:
- Thành phố tiếp tục thực hiện giải pháp đầu tư, tăng cường quản lý để giảm ngập nước, giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là về giao thông, cung cấp nước sạch cho nhân dân, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình nhà ở, cải cạo chung cư cũ, hư hỏng nặng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân... 
- Thành phố cũng tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính với tinh thần “Vì dân hành động”, xây dựng nền hành chính phục vụ nhân dân và doanh nghiệp, xử lý nghiêm, kịp thời những trường hợp tiêu cực, nhũng nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà cho tổ chức và công dân. Thành phố cũng tăng cường trấn áp, tấn công tội phạm; chấn chỉnh trật tự lòng lề đường; đảm bảo an ninh, trật tự.
-  Tạo sự đồng thuận của nhân dân trong đền bù, giải tỏa và sự đồng lòng, quyết tâm xây dựng thành phố của cấp ủy, chính quyền các cấp.
- Chuẩn bị xây dựng: xây dựng mới tái định cư, chuyển dân cư, dỡ bỏ nhà, trong vùng QH; bước xây dựng được tiến hành cẩn thận theo thời gian quy định, tiếng ồn và bụi được hạn chế tối đa; công tác vận hành, duy tu được quan tâm, khi hoàn thành công trình hệ thống hoạt động chủ yếu là ngầm.
7.2. Dài hạn
- Việc phối hợp giữa quy hoạch sử dụng đất và giao thông, phát triển các khu đa chức năng nhằm giảm thiểu nhu cầu đi lại;
- Mở rộng mạng lưới đường và tối đa hoá công suất đường phố thông qua hệ thống giao thông thông minh;
- Quản lý nhu cầu sử dụng đường phố thông qua việc kiềm chế sở hữu và sử dụng phương tiện tư nhân;
- Cung cấp việc lựa chọn giao thông công cộng chất lượng cao, kể cả xe chạy nhanh, đường sắt đô thị và hỗn hợp nhằm hạn chế sử dụng xe cá nhân.



Tài liệu tham khảo:

- Urbanization. Nội dung: Ảnh hưởng đến môi trường của quá trình đô thị hóa; những lợi ích của đô thị hóa; phát triển đô thị bền vững. 

- Planning for sustainable for development. Quy hoạch phát triển bền vững. Tác giả Jibgar Loshi, 1997. 
- The politics of urban development. Những chính sách phát triển đô thị. Tác giả Stone ClarenceN., 1987. 
- Asian city: Processes of development, characteristics and planning. Thành phố Châu Á: Tiến trình phát triển, đặc điểm và quy hoạch. Tác giả Ashok K. Dutt, 1994. 
- Sustainable cities: urbanization and the environment in international perspective. Những thành phố bền vững: Ðô thị hóa và môi trường trong viễn cảnh quốc tế. Tác giả Rodney R. White, 1992. 
- World urbanization prospects: Estimates and projections of urban and rural populations and of urban agglomerations. Triển vọng đô thị hóa thế giới: Những dự báo về dân số nông thôn và thành thị và tăng dân số đô thị. 1998. 
- Urbanization, population growth, and economic development in the Philippines. Ðô thị hóa, phát triển dân số, và phát triển kinh tế ở Philippines. Tác giả Ernesto del Mar Pernia, 1977. 
Asian urbanization. Ðô thị hóa ở Châu Á. Tác giả Frank J. Costa, 1988. 
- Impact of urbanisation on rural development. Tác động của đô thị hóa đến phát triển nông thôn. Tác giả Alok Gupta, 1997. 
- Challenge of urban growth and sustainable development for Asia cities in the 21st century. Thách thức của sự phát triển đô thị và phát triển bền vững của các thành phố ở Châu Á trong thế kỷ 21. Tác giả Heinke, Gary, 1997. 
- Asian urban development policies in the 1990s: From growth control to urban doffusion. Các chính sách phát triển đô thị châu Á những năm 1990: Từ giám sát phát triển tới mở rộng đô thị. Tác giả Dennis A. Rondinelli, 1991. 
- Rapid population growth and urban problems in Pakistan. Sự tăng nhanh dân số và các vấn đề đô thị của Pakistan . Tác giả Syed Ayub Outub, 1992. 
- Quản lý nhà nước về đô thị. Chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Châu, 1995. 
- Nâng cao hiệu quả quản lý và xây dựng đô thị ( 1991 - 1995 ). Chủ nhiệm Phạm Sỹ Liêm, 1995. 
- Nghiên cứu xã hội học xây dựng và quản lý đô thị. Chủ nhiệm Tô Thị Minh Thông, 1994. 
- Tác động của quá trình đô thị hóa ngoại thành gây biến động kinh tế xã hội và tìm biện pháp hạn chế các biến động tiêu cực. Tác giả Nguyễn Thị Tuất, 1997. 
- Ðề xuất định chế tạo việc làm cho dân thường trú ở khu vực đô thị hóa. Tác giả Nguyễn Thị Tuất, 1997. 
- Di dân từ nông thôn ra thành thị với quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa ở Việt Nam. Chủ nhiệm Tống Văn Ðường, 1995. 
- Phân tích dưới góc độ địa lý kinh tế xã hội sự chuyển hóa nông thôn thành đô thị ở Hà Nội trong quá trình đô thị hóa. Tác giả Ðỗ Thị Minh Ðức, 1992. 
- Các giải pháp chủ yếu khắc phục ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa đến môi trường đô thị Hà Nội. Tác giả Nguyễn Hữu Sùng, 1995. 
- Quy hoạch các đô thị Việt Nam và phát triển đến sau năm 2000. Tác giả Nguyễn Tiến Dy, 1997. 
- Quy hoạch xây dựng phát triển đô thị. Tác giả Lê trọng Bình, Trần trọng Hanh, 1997. 
- Quy hoạch cải tạo và xây dựng đô thị. Tác giả Ngô Huy Quỳnh, 1997. 
- Quy hoạch đô thị và phát triển kinh tế. Nội dung: thực trạng đô thị hóa ở nước ta hiện nay, những yêu cầu bức xúc đối với công tác quy hoạch đô thị; Những yếu tố chủ yếu tác động đến quy hoạch đô thị; Những đổ mới về quan điểm công tác quy trình xây dựng đô thị; Giới thiệu knh nghiệm quy hoạch đô thị Nhật Bản. Tác giả Lê Quang Thiệp, 1994. 
- Dân số và tiến trình đô thị hóa, động thái phát triển và triển vọng. Tác giả Trần Cao Sơn, 1995. 
- Thăng Long Hà Nội mười thế kỷ đô thị hóa. Tác giả Trần Hùng, Nguyễn Quốc Thông, 1995. 
- Phát triển đô thị bền vững mục tiêu và mơ ước . Tác giả Nguyễn Tố Lăng, 1999. 
- Chiến lược phát triển đô thị thành phố Hồ Chí Minh và vấn đề điều hòa sự phát triển của đô thị lớn. ( Trích tham luận tại hội thảo" Chiến lược phát triển đô thị quốc gia" ). Tác giả Lê Văn Năm, 1995. 
- Xu hướng đô thị hóa ở vùng ven thành phố Hồ Chí Minh. Tác giả Lê Hồng Liêm, 1995. 
- Văn hóa và lối sống đô thị với vấn đề bảo vệ môi trường. Tác giả Danh Sơn, 1997. 
- Ðô thị hóa với vấn đề giao thông vận tải ở các thành phố. Tác giả Từ Sỹ Sùa, 1995. 
- Gia tăng dân số và đô thị hóa ở TP. Hồ Chí Minh. Tác giả Phạm Thị Xuân Thọ, 1996. 
- Tìm hiểu đô thị hóa ở CHLB Ðức. Tác giả Minh Phương, 1996. 
- Quá trình đô thị hóa ở Thái Lan hiện nay. Tác giả Nipilina I. N, 1994. 
- Trong năm 1998, Trung Tâm Thông Tin đã thẩm định thông tin các đề tài nghiên cứu có nội dung liên quan đến vấn đề phát triển đô thị sau đây: 
- Xây dựng luận cứ khoa học "Quản lý đô thị theo hướng đô thị sinh thái" cho TP. Hồ Chí - Minh trong trào lưu công nghiệp hóa hiện đại hóa", chủ nhiệm GS. TS. Lê Huy Bá. 
- Một số vấn đề đô thị hóa ở TP. Hồ Chí Minh trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nhìn từ góc độ khoa học xã hội và nhân văn. Chủ nhiệm PTS. Trần Thị Kim Xuyến. 
Một số vấn đề xã hội trong quá trình phát triển đô thị ở TP. Hồ Chí Minh - Hiện trạng và giải pháp, chủ nhiệm PGS. Hồ Sỹ Khoách.

KS Nguyễn Văn Bách - T4/2016

    Xem thêm