Một số điểm mới về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo Luật đất đai 2013

NGUYỄN VĂN BÁCH
3/09/2015

Ngày 29/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai năm 2013. Luật Đất đai năm 2013 đã khắc phục, giải quyết được những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2003.
Ngày 29/11/2013, Quốc hội đã thông qua Luật Đất đai năm 2013. Luật Đất đai năm 2013 đã khắc phục, giải quyết được những tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2003. Đây là đạo luật quan trọng, có tác động sâu rộng đến chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước, thu hút được sự quan tâm rộng rãi của nhân dân. Luật Đất đai 2013 đã  chính thức có hiệu lực từ ngày 01/7/2014.
Một trong những nội dung quản lý nhà nước về đất đai là việc giải quyết tranh chấp đất đai. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết việc tranh chấp đất đai gồm Tòa án nhân dân và Ủy ban nhân dân. Theo quy định của điều 136 Luật Đất đai 2003 thì Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết những tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các giấy tờ quy định tại các khoản 1,2 và khoản 5 điều 50 của Luật Đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất. Đối với những tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cũng không có các giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 điều 50 thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Ủy ban nhân dân.
Luật Đất đai 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết các tranh chấp đất đai tại  điều 203. Trong đó khoản 1 của điều luật có nội dung: Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết. Các giấy tờ quy định tại điều 100 Luật Đất đai 2013 vẫn giữ nguyên nội dung các quy định tại khoản 1,2 và khoản 5 điều 50 Luật Đất đai 2003 và có sự bổ sung thêm một số trường hợp đó là:
-  Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ
-  Giấy tờ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành
-  Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất nông nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 131 của Luật này
Tại khoản 2 điều 203 quy định: Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai là Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Như vậy thẩm quyền giải quyết tranh chấp về đất đai được mở rộng hơn, Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết những loại việc tranh chấp đất đai gồm:
- Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai
- Tranh chấp về tài sản gắn liền với đất
- Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai
Ngày 26/6/2014 Tòa án nhân dân tối cao đã có công văn hướng dẫn số 117/TANDTC-KHXX để phổ biến, quán triệt và triển khai thi hành Luật Đất đai đến các đơn vị trong toàn ngành. Do vậy, từ ngày 01/7/2014 khi thụ lý để giải quyết vụ án dân sự về tranh chấp đất đai cần chú ý một số vấn đề sau:
- Mọi tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã, (phường, thị trấn) mà không thành thì đương sự có thể khởi kiện tại Tòa án nhân dân. Đây là một quy định bắt buộc, được coi như một thủ tục “tiền tố tụng” mà đương sự phải thực hiện trước khi khởi kiện tới Tòa án nhân dân.
- Theo quy định tại điều 202 Luật Đất đai 2013 và khoản 1 điều 88 của Nghị định số 43/NĐ-CP Ngày 15/5/2014 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai thì thành phần Hội đồng hòa giải cấp xã (phường, thị trấn) gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh…Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã (phường, thị trấn) được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận việc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân.
- Đối với những tranh chấp đất đai mà đương sự không có giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các giấy tờ quy định tại điều 100 Luật Đất đai thì phải yêu cầu đương sự phải cam kết chỉ khởi kiện đến Tòa án nhân dân mà không đề nghị Ủy ban nhân dân giải quyết tranh chấp đất đai để tránh trường hợp cùng một vụ việc cả hai cơ quan cùng tham gia giải quyết.
Trên đây là một số quy định mới về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của Luật Đất đai 2013. Do đó, kể từ ngày 01/7/2014, khi nhận được đơn khởi kiện Tòa án phải căn cứ vào điều 100, 202, 203 Luật Đất đai và điều 88 Nghị định 43 ngày 15/5/2014 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai để xác định thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân và kiểm tra đầy đủ các điều kiện “tiền tố tụng” để việc thụ lý vụ án dân sự về tranh chấp quyền sử dụng đất theo đúng các quy định của pháp luật./.

Xem thêm