Bản đồ địa chính - đất đai qua các thời kỳ - cập nhật

NGUYỄN VĂN BÁCH
9/02/2014

Giai đoạn trước năm 1993
- Bản đồ 299/TTg, gọi tắt là bản đồ 299
Bản đồ được lập ra dựa trên Chỉ thị 299/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 10 tháng 11 năm 1980 về “Công tác đo đạc, phân hàng và đăng ký ruộng đất trong cả nước”. Theo chỉ thị 299/TTg, mục đích lập ra bản đồ 299 để quản lý chặt chẽ và thống nhất dược đất đai trong cả nước theo Quyết định 201-CP ngày 01 tháng 07 năm 1980 của Hội đồng Chính phủ. Thời gian hoàn thành công tác đo đạc, xây dựng bản đồ: Vùng đồng bằng sông Cửu Long: Cuối năm 1982; Vùng Đông Nam bộ, Tây nguyên, ven biển miền Trung: cuối năm 1983; Các vùng khác (phía Bắc): cuối năm 1984.
Mục tiêu để phục vụ kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm lần thứ 3 (1981-1985) và kế hoạch dài hạn, đồng thời đế nắm chắc được diện tích và chất lượng ruộng đất, xác định phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của người sử dụng đât, phân loại, phân hạng đất canh tác trong từng đơn vị sử dụng, thực hiện thống nhất quản lý ruộng đất trong cả nước, cần tiến hành công tác đo đạc, xây dựng bản đồ phân loại đất, phân hạng đất canh tác và đăng ký thống kê sử dụng ruộng đất trên toàn lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo từng đơn vị hành chính (xã, huyện, tỉnh và cấp tương đương) trong từng cơ quan, tổ chức và cá nhân sử dụng đất.

Căn cứ vào kết quả của công tác nói trên, cần lập hồ sơ ruộng đất và lập sổ địa chính của Nhà nước; hồ sơ và sổ này được lưu giữ ở các cấp, các cơ quan, tổ chức và cá nhân sử dụng đất. Ngành Quản lý ruộng đất từ Trung ương đến địa phương có trách nhiệm quản lý thống nhất sổ địa chính của Nhà nước để phục vụ mọi hoạt động phát triển nền kinh tế quốc dân trước mắt và lâu dài.
Theo đó Cục đo đạc và bản đồ Nhà nước có trách nhiệm:
- Cử cán bộ chuyên môn tham gia công tác huấn luyện lực lượng đo đạc và xây dựng bản đồ ruộng đất của địa phương.
- Cung cấp bản đồ từng thửa tỷ lệ lớn cho Tổng cục quản lý ruộng đất, ở những vùng chưa cung cấp được bản đồ từng thửa thì cung cấp phim ảnh hàng không (âm bản) hiện có theo yêu cầu và kế hoạch của Tổng cục quản lý ruộng đất.
- Phối hợp với Cục bản đồ Bộ Tổng tham mưu nghiên cứu và tiến hành khai thác ảnh chụp bằng máy bay hiện có để xây dựng bản đồ từng thửa (trước mắt là xây dựng bản đồ từng thửa tỷ lệ lớn cho vùng đồng bằng Sông Cửu Long).
Trên đây chỉ nêu một số việc giao cho Cục đo đạc và bản đồ Nhà nước tham gia để trong một thời gian ngắn có tài liệu, bản đồ phục vụ cho quản lý ruộng đất. Còn nhiệm vụ xây dựng một bộ bản đồ chính quy tỷ lệ lớn phục vụ các ngành kinh tế quốc dân thì vẫn tiến hành theo kế hoạch của Nhà nước giao.
Trên bản đồ thể hiện chi tiết đến từng thửa đất, vẽ trọn thửa (ranh giới thửa đất phải kép kín trên mảnh bản đồ) kèm theo bản đồ gốc có sổ dã ngoại (ghi các thông tin về thửa đất: chủ sử dụng, loại đất theo hiện trạng...).
Việc thành lập bản đồ 299 theo các phương pháp: đo đạc mặt đất với các dụng cụ đơn giản: thước dây, tiêu đo, bàn đạc cải tiến (dùng định hướng, khoảng cách đo bằng thước dây); ở các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long sử dụng ảnh đơn cùng tỉ lệ kết hợp điều vẽ ngoại nghiệp để thành lập bản đồ.
Trong đo đạc mặt đất, khống chế đo vẽ chủ yếu là khống chế ván đo (chỉ trong phạm vi từng mảnh bản đồ gốc, hệ tọa độ độc lập, lưới khống chế dạng tự do, định hướng bản đồ bằng la bàn, thiếu khống chế thống nhất cho toàn khu đo: xã, huyện), ghép biên bản đồ chủ yếu dựa vào các yếu tố địa vật. Độ chính xác bản đồ chỉ đảm bảo trong phạm vị mảnh bản đồ gốc.
Bản đồ 299 được biên tập theo đơn vị hành chính cấp xã, các mảnh bản đồ gốc được ghép biên với nhau theo địa vật tạo thành tở bản đồ có kích thước:100 x 75 cm với yêu cầu vẽ trọn thửa đất. Giá trị pháp lý của bản đồ, có thể dùng để giải quyết tranh chấp đất đai, phục vụ xác minh cấp GCN QSD đất. 
Giấy chứng nhận quyền sử dựng đất thì làm thủ tục đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo hướng dẫn tại Thông tư số 346/1998/T-TCĐC ngày 16 tháng 3 năm 1998 của Tổng cục Địa Chính.
Giai đoạn từ năm 1993 đến năm 2003
Đã cơ bản giao xong đất nông nghiệp cho gần 12 triệu tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng, với diện tích gần 9,4 triệu ha; trong đó, đã cấp hơn 11,49 triệu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (tương ứng với 92,7% số đối tượng và 97,8% số diện tích); đã giao và cho thuê sử dụng vào mục đích chuyên dùng và xây dựng nhà ở là 44.691 dự án (công trình) với tổng diện tích là 405.910 ha.
- Đã đo vẽ được bản đồ địa chính chính quy cho 6.639.117ha; thiết lập hồ sơ địa chính ở 9000 xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, tới 40% số đơn vị cấp xã có hồ sơ địa chính chưa đầy đủ và thiếu thống nhất về mẫu sổ sách và nội dung.
- Đã phân chia toàn bộ quỹ đất thành 6 loại đất là: đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất đô thị, đất khu dân cư nông thôn, đất chuyên dùng, đất chưa sử dụng.
- Bản đồ giao đất lâm nghiệp lập theo đơn vị hành chính xã
Mẫu sổ địa chính, sổ mục kê đất, sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ theo dõi biến động đất đai thực hiện theo quy định tại Quyết định số 499/QĐ-ĐC ngày 27 tháng 7 năm 1995 của Tổng cục Địa chính và hướng dẫn bổ sung dưới đây:
Sổ địa chính, sổ mục kê và sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lập chung cho tất cả các loại đất; không lập bộ sổ riêng cho đất lâm nghiệp;
Nơi sử dụng bản đồ giao đất lâm nghiệp chỉ có số hiệu tiểu khu rừng, khoảnh, lô thì trên các loại sổ sách ghi số hiệu tiểu khu rừng thay cho số hiệu tờ bản đồ và ghi số hiệu khoảnh, lô thay cho số hiệu thửa đất;
Phần III "Những ràng buộc quyền sử dụng đất" trong sổ địa chính ghi chú thêm về những nội dung như quy định tại cột "Phần ghi thêm" của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Từ năm 2003 đến năm 2013

Bản đồ hiện trạng sử dụng đất và bản đồ quy hoạch sử dụng đất được quy định tại Điều 20 Luật đất đai 2003

1. Bản đồ hiện trạng sử dụng đất được lập năm năm một lần gắn với việc kiểm kê đất đai quy định tại Điều 53 của Luật này để phục vụ cho việc quản lý quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
2. Bản đồ quy hoạch sử dụng đất được lập mười năm một lần gắn với kỳ quy hoạch sử dụng đất quy định tại Điều 24 của Luật này.
Bản đồ quy hoạch sử dụng đất của xã, phường, thị trấn được lập trên bản đồ địa chính gọi là bản đồ quy hoạch sử dụng đất chi tiết.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo việc khảo sát, đo đạc, lập và quản lý bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất trong phạm vi cả nước và tổ chức thực hiện việc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất, bản đồ quy hoạch sử dụng đất của cả nước.
4. Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm thực hiện việc kiểm kê đất đai ở địa phương nào thì tổ chức thực hiện việc lập bản đồ hiện trạng sử dụng đất của địa phương đó.
Uỷ ban nhân dân có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc lập quy hoạch sử dụng đất của địa phương nào thì tổ chức thực hiện việc lập bản đồ quy hoạch sử dụng đất của địa phương đó.

- Kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2005

- Kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010

Chỉ thị số 618/CT-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Kế hoạch số 2841/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 07/8/2009 về việc kiểm kê đất đai và xây dựng bản đồ hiện trạng sử dụng đất năm 2010.
Bản đồ hiện trạng sử dụng đất được xây dựng theo đơn vị hành chính các cấp (cấp xã, cấp huyện và cấp thành phố), trong đó bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã được lập trên nền bản đồ địa chính trong quá trình kiểm kê diện tích đất đai là bản đồ hiện trạng sử dụng đất cơ bản. Bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện được tổng hợp từ bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp xã; bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được tổng hợp từ bản đồ hiện trạng sử dụng đất cấp huyện.
Theo nôi dung tại Báo cáo số: 193/BC-BTNMT ngày 06 tháng 9 năm 2012 của Bộ TN&MT tổng kết tình hình thi hành Luật Đất đai 2003 và định hướng sửa đổi Luật Đất đai:
"Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến năm 2010 được triển khai khá đồng bộ theo 04 cấp hành chính (quốc gia, cấp tỉnh, huyện và xã). Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2010 của cả nước đã được Quốc hội Khóa XI, Kỳ họp thứ 5 thông qua tại Nghị quyết số 29/2004/QH11 ngày 15 tháng 6 năm 2004. Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2006-2010) của cả nước được Quốc hội Khóa XI, Kỳ họp thứ 9 thông qua tại Nghị quyết số 57/2006/QH11 ngày 29 tháng 6 năm 2006."
"Cả nước đã đo đạc lập bản đồ địa chính đạt 74,9% tổng diện tích tự nhiên và đã cấp Giấy chứng nhận đất sản xuất nông nghiệp đạt 85% tổng diện tích, đất lâm nghiệp đạt 86,3% diện tích, đất ở nông thôn đạt 82,1% diện tích, đất ở đô thị đạt 63,5%, đất chuyên dùng đạt 54,9% diện tích, đất cơ sở tôn giáo đạt 81,6 % diện tích."

Xem thêm