Được tạo bởi Blogger.

Luật Đất đai 2013 mở rộng thẩm quyền của TAND

Luật Đất đai 2013 được đánh giá có nhiều điểm ưu việt so với luật cũ, trong đó có việc quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của ngành Tòa án nhân dân (TAND) rộng hơn trước.
Theo quy định của Luật Đất đai 2003, Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án chỉ giới hạn trong phạm vi các tranh chấp mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50. Đối với người dân, khi có tranh chấp về đất đai mà không có giấy chứng nhận và hoặc các giấy tờ theo quy định thì cũng không có quyền lựa chọn cơ quan giải quyết nào khác ngoài UBND và cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường. Quy định này đã phần nào làm hạn chế quyền lựa chọn phương án giải quyết tranh chấp của người dân, vừa tăng áp lực lên các cơ quan hành chính nhà nước.
 Những hạn chế trên đã được khắc phục bằng những quy định tại Luật Đất đai 2013. Tại khoản 1 Điều 203 quy định: Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết. Các giấy tờ quy định tại điều 100 Luật Đất đai 2013 vẫn giữ nguyên nội dung các quy định tại khoản 1, 2 và khoản 5 điều 50 Luật Đất đai 2003 và có sự bổ sung thêm một số trường hợp đó là:
-  Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ.
-  Giấy tờ được Nhà nước giao đất, cho thuê đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến ngày Luật này có hiệu lực thi hành;
-  Cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ; đất nông nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 131 của Luật này.

Theo ông Nguyễn Văn Vụ, Chánh Tòa Dân sự TAND tỉnh, hiện nay khoảng 50% các vụ việc do Tòa dân sự TAND tỉnh giải quyết liên quan đến các tranh chấp về đất đai như: Quyền sử dụng đất, chuyển nhượng, cho thuê đất…


Tại khoản 2 Điều 203 quy định: Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai là nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.
Ngoài ra, tại khoản 3 Điều 203 Luật Đất đai 2013 quy định: Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại UBND cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:  
Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

Theo bà Nghiêm Thị Lượng, Chánh Tòa Hành chính TAND tỉnh, hiện có khoảng 80% các vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai.


Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Điều 204 quy định: Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền khiếu nại, khởi kiện quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.
Như vậy, so với quy định tại Luật Đất đai năm 2003 thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Tòa án theo Luật Đất đai 2013 được mở rộng hơn nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giải quyết tranh chấp, giảm áp lực cho cơ quan hành chính nhà nước và góp phần hạn chế tình trạng khiếu nại, tố cáo kéo dài trong lĩnh vực quản lý đất đai. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi sự cố gắng cao độ của toàn ngành TAND nhằm hoàn thành trọng trách được giao.
Share on Google Plus

CHANHVAPHONG.COM - NGUYỄN VĂN BÁCH

Ứng dụng cá nhân hỗ trợ, kết nối, chia sẻ nghiệp vụ công tác của Thạc sỹ - Kỹ sư Nguyễn Văn Bách

0 Nhận xét:

Đăng nhận xét

btn-zalo